Trả lời kiến nghị của cử tri về một số dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên 

Thứ ba, 01/03/2022 10:59

Ngày 28/2/2022, Bộ GTVT có Văn bản số 1869/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022, nội dung như sau: 

Đề nghị bố trí kinh phí nâng cấp đường QL37, QL17 theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021. Hiện nay một số tuyến Quốc lộ qua địa bàn như: QL37 đoạn qua tỉnh Thái Nguyên (Km96+600 - Km172+800) đều đã quá tải, mặt đường thắt hẹp, đi lại khó khăn. Các tuyến mới được nâng cấp lên Quốc lộ quản lý như QL3C (nâng cấp từ ĐT268), QL17 (nâng cấp từ ĐT269) chất lượng mặt đường thấp, xuống cấp. Kinh phí duy tu, sửa chữa hằng năm đáp ứng khoảng 45% nhu cầu thực tế trên tuyến. 

Đề nghị bố trí kinh phí và sớm thực hiện giai đoạn 2 của Dự án đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên (đoạn Chợ Chu - Đèo Muồng dài khoảng 15km) theo quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15/2/2012. 

Đề nghị quan tâm tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên (Km26+900 - Km63+800) đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc như đoạn qua địa phận TP Hà Nội (Gồm: Đầu tư mở rộng thêm vào dải phân cách giữa mỗi bên 2,25m; thảm bê tông nhưa (BTN) tạo nhám mặt đường; bổ sung hoàn chỉnh đường gom, đường ngang; hoàn thiện nút giao Yên Bình; đầu tư hệ thống giao thông thông minh - ITS, để đồng bộ với ITS của giao thông cao tốc miền Bắc hiện nay). Kêu gọi nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc: Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng theo quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia giai đoạn 2021 - 2030. 

Đề nghị cho phép tạm giao UBND tỉnh Thái Nguyên quản lý, vận hành, khai thác các đoạn thuộc tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội do tỉnh Thái Nguyên đầu tư xây dựng; tỉnh sẽ bàn giao lại Bộ GTVT quản lý (theo quy định Quyết định số 561/QĐ-TTg ngày 18/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ) sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng toàn bộ tuyến đường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hoặc khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Ảnh minh họa

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. 

Về các nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau: 

Về đầu tư, nâng cấp các tuyến Quốc lộ: 3C, 17, 37 và đường Hồ Chí Minh:

Các tuyến quốc lộ qua địa phận tỉnh Thái Nguyên nêu trên có hiện trạng đạt cấp IV - III, hiện trạng quy mô đã cơ bản phù hợp quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021. Thời gian qua, các tuyến đường đã được sửa chữa, cải tạo từ nguồn vốn bảo trì để đảm bảo êm thuận và an toàn cho các phương tiện lưu thông. Năm 2019, Bộ GTVT đã giao các đơn vị trực thuộc tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các quốc lộ: 37 và đường Hồ Chí Minh để làm cơ sở xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Đầu tư công. 

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đã xây dựng nhu cầu đầu tư từ vốn NSTW khoảng 462.000 tỷ đồng. Do nguồn lực quốc gia khó khăn, hiện nay Bộ GTVT chỉ được phân bổ tổng số 304.104 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 29/2011/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội. Theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, số vốn này phải ưu tiên bố trí khoảng 147.000 tỷ đồng để hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, thanh toán các khoản nợ đọng thuộc nghĩa vụ của NSNN. Chỉ còn 157.000 tỷ đồng để triển khai các dự án mới; trong đó, tập trung bố trí khoảng 117.500 tỷ đồng cho 18 dự án đường bộ cao tốc khởi công mới và khoảng 39.500 tỷ đồng cho một số ít các dự án động lực, cấp bách hoặc để xử lý các điểm nghẽn thuộc 5 chuyên ngành giao thông trong 5 năm trên phạm vi cả nước. 

Như vậy, ngoài các dự án quan trọng, động lực là mục tiêu chính của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT đã được dự kiến bố trí vốn để triển khai theo yêu cầu; còn nhiều dự án, có quy mô không lớn nhưng là các điểm nghẽn trong các chuyên ngành giao thông, có nhu cầu đầu tư để phát huy hiệu quả toàn hệ thống vẫn chưa cân đối được trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai. 

Bộ GTVT nhận thấy việc đầu tư các tuyến quốc lộ nêu trên là cần thiết, hiện đã có trong Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng do khó khăn trong cân đối nguồn lực như báo cáo nêu trên nên chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện. Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương tìm kiếm, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để sớm triển khai đầu tư, nâng cấp các tuyến đường. Trong khi chưa có điều kiện triển khai các dự án mới, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch bảo trì, sửa chữa các tuyến đường để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. 

Về tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng 

Tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng (C.07) có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ. Vì vậy, Bộ GTVT đã đưa vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, trong đó đoạn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có quy mô 6 làn xe, đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) có quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030; riêng đoạn Bắc Kạn - Cao Bằng được quy hoạch với quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030. 

Hiện nay, đoạn tuyến Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới đã được đầu tư hoàn thành và đang khai thác sử dụng bình thường; riêng đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư để triển khai xây dựng và dự kiến sẽ khởi công năm 2022 và hoàn thành năm 2025. 

Do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên Bộ GTVT chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện đầu tư hoàn chỉnh QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên) đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc. Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương tìm kiếm, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để sớm triển khai đầu tư hoàn chỉnh dự án. Trong khi chưa có điều kiện triển khai dự án mới, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch bảo trì, sửa chữa tuyến đường để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. 

Đối với đoạn Bắc Kạn - Cao Bằng, tại khoản 2, mục III, Quyết định phê duyệt quy hoạch đã xác định: “Đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.”. Do vậy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nếu các địa phương có nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và có khả năng huy động được nguồn lực, đề nghị các địa phương đánh giá hiệu quả đầu tư dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sớm triển khai thủ tục đầu tư tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai đầu tư xây dựng Dự án nhằm hoàn thiện kết nối theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được phê duyệt, phát huy hiệu quả khai thác tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới - Bắc Kạn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. 

Về công tác quản lý, khai thác các đoạn tuyến thuộc đường Vành đai 5 - Hà Nội 

Vành đai 5 - Hà Nội qua địa phận tỉnh Thái Nguyên có chiều dài khoảng 28,9km. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai đầu tư một số đoạn tuyến với quy mô từ 4 đến 6 làn xe và các tuyến đường kết nối với Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư dọc tuyến đường phù hợp với quy hoạch chi tiết đường Vành đai 5 - Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 561/QĐ-TTg ngày 18/4/2014. 

Ngày 01/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tuyến đường Vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) có chiều dài khoảng 272km với quy mô đường cao tốc 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030. 

Trong thời gian tuyến đường Vành đai 5 - Hà Nội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT thống nhất việc UBND tỉnh Thái Nguyên thực hiện công tác quản lý, khai thác và bảo trì bằng nguồn kinh phí của địa phương đối với các đoạn tuyến do tỉnh Thái Nguyên đầu tư xây dựng. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình triển khai. 

Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT./.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:125836
Lượt truy cập: 176.619.808